Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Test link

Search Suggest

Mở cửa hàng kinh doanh hướng đi 50/50 – “Được ăn cả, ngã về không”

Trở thành chủ một cửa hàng kinh doanh truyền thống là mơ ước và mục tiêu của rất nhiều người hiện nay. Nhất là khi start-up trở thành xu hướng như vài năm trở lại đây.

khát khao chủ một cửa hàng kinh doanh truyền thống
khát khao chủ một cửa hàng kinh doanh truyền thống
  • Chi phí cho cuộc sống ngày một đắt đỏ;
  • 8 tiếng “làm công ăn lương” ngao ngán;
  • Nhu cầu tự chủ thời gian, hưởng thụ cuộc sống dần tăng lên;
  • Không muốn để phí khoản tiền tiết kiệm đang có?




Tất cả tạo cho bạn khát khao kinh doanh mạnh mẽ, mong muốn có một cửa hàng – một hiệu kinh doanh của riêng mình càng ngày càng cháy bỏng? Nhưng khoan! “Thương trường là chiến trường” – bạn có đủ tinh thần và tài lực để chấp nhận rủi ro không? Bạn đã có kế hoạch tốt chưa? Cùng thảo luận Coinvn tìm hiểm xem đây có phải là lựa chọn đúng đắn nhất lúc này không nhé!

Cửa hàng kinh doanh truyền thống

Nói đến kinh doanh truyền thống, tất cả chúng ta đều hiểu đây là kiểu kinh doanh đã có từ lâu đời, buôn bán trực tiếp tại cửa hàng hay còn gọi là mặt bằng. Ngày xưa, việc mua bán đều được diễn ra tại đây. Bạn cần gì thì phải đi ra chợ đến các sạp hoặc ra phố đến cửa hàng; hoặc dễ nhất là chạy sang tiệm gần nhà để mua sắm. Khác hoàn toàn với việc kinh doanh online đang phổ biến thông qua các trang thương mại điện tử hay nền tảng mạng xã hội để xây dựng cửa hàng ảo.

Tóm lại, kinh doanh truyền thống là phải có mặt bằng để mở cửa hàng và giao dịch mua bán giữa người mua – người bán diễn ra trực tiếp tại cửa hàng đó.

Do đó, sự thành bại của công việc kinh doanh này đều dựa trên độ uy tín, tin cậy được xây dựng qua nhiều năm để có lượng khách hàng đến mua ổn định.

Trong những năm qua, các hình thức mở quán photocopy, phụ kiện thời trang, tiệm net, nhà hàng, nhà nghỉ, quán cafe hay trà sữa đều là những lựa chọn phổ biến, được phát triển rầm rộ từ các thành phố lớn đến vùng trung tâm ở khu vực nông thôn.

Đầu tư loại hình kinh doanh truyền thống nào?

Với mức vốn vừa phải dưới 1 tỉ, bạn có thể nghĩ đến một số ngành hàng sau đây:

Cửa hàng photocopy

Lợi thế ít đối thủ, không cần tốn nhiều chi phí marketing, là nhu cầu hàng ngày của giới học sinh – sinh viên. Nghe có vẻ đầy lạc quan nhỉ ?!

Khách hàng chính của loại hình kinh doanh này là giới học sinh – sinh viên. Vì vậy, mở cửa hàng photo bạn phải chọn địa điểm gần các trường học (từ cấp Trung học Cơ sở trở lên). 

Nhưng xung quanh các vị trí này, giá thuê mặt bằng lại không hề rẻ. Và chắc chắn phải có ít nhất một cửa hàng khác kinh doanh cùng mặt hàng với bạn. Nói chính xác về mức độ cạnh tranh của loại hình này ít đối thủ nhưng mức độ cạnh tranh lại cao. 

Vì tổng số lượng cửa hàng photo ít; nhưng cùng khai thác một lượng khách. Đối thủ trực tiếp có từ 1–3, thậm chí 4-5, tùy vào số lượng khách hàng tại khu vực đó.

Cửa hàng photocopy không cần tốn quá nhiều chi phí marketing
Cửa hàng photocopy không cần tốn quá nhiều chi phí marketing

Với loại cửa hàng này, số vốn ban đầu không cần quá nhiều, thậm chí 50 triệu vẫn đủ cho một tiệm photo với các loại máy móc cơ bản. Tuy nhiên, tiền bảo trì máy móc lại chiếm một khoản không nhỏ trong chi phí vận hành mỗi tháng. Đó là chưa kể muốn cạnh tranh tốt, bạn phải đầu tư nâng cấp máy móc hiện đại. Đồng thời, vì doanh thu khá nhỏ; đồng nghĩa với lợi nhuận thu về mỗi tháng cũng không lớn.

Shop phụ kiện thời trang

Với mặt hàng này, việc vận hành và quản lý tương đối đơn giản, chỉ cần có được nguồn hàng tốt (đẹp – giá rẻ) là bạn đã đi được 50% chặng đường. Thế nhưng, 50% chặng còn lại – câu chuyện marketing thì không dễ tí nào.

Chỉ cần gõ từ khóa “phụ kiện thời trang” trên Google, bạn có 218 triệu kết quả – đủ để hình dung mức độ cạnh tranh gắt gao đến chừng nào! Nếu muốn tồn tại và tạo dựng được thương hiệu trong lòng khách hàng, đòi hỏi bạn phải có sự đầu tư khủng khiếp cho PRmarketing sản phẩm.

Tiệm Internet

Qua rồi thời kì huy hoàng của tiệm net. Ngày nay, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ – thông tin, ai ai cũng có ít nhất 1 thiết bị truy cập internet. Vì vậy, khi khách hàng vào tiệm net, đa số đều là game thủ. Với đối tượng khách hàng này, bạn bắt buộc phải trang bị máy có cấu hình cao để thu hút khách (từ 20 – 30 triệu/bộ cho loại máy này).

Ngoài ra, phòng net cũng phải “ngầu”: đèn trang trí, ghế ngồi, máy lạnh, chi phí thiết kế, chi phí lắp đặt. Thêm nữa, tiền thuê nhân viên quản lý, chi phí bảo dưỡng cũng cao hơn so với các loại hình kinh doanh thông thường. Mặt bằng thì phải đủ chỗ cho một bãi xe rộng nữa. Chỉ mới bước đầu tổng chi phí có thể hơn 500 triệu.

Kinh doanh phòng net hiện nay đòi hỏi đầu tư vào trang thiết bị để thu hút khách
Kinh doanh phòng net hiện nay đòi hỏi đầu tư vào trang thiết bị để thu hút khách
Nhưng nếu bạn thích và đủ liều, đủ tự tin vào khả năng thu hút cũng như giữ khách thì cũng rất đáng để thử.

Đầu tư quán ăn - quán nhậu


Phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống thì chắc chắn không lo hết khách, nhất là khi mọi người ngày càng thích hưởng thụ thú vui ăn uống, tụ họp.

Tuy nhiên, chưa kể đến việc cạnh tranh thì làm thế nào để vận hành một quán ăn/quán nhậu thôi đã là câu chuyện khó nhằn. Bạn có bếp trưởng “cứng tay” và hết lòng vì bạn không? Bạn có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để cùng lúc làm việc với đầu bếp, thu ngân và nhiều người phục vụ – vốn thuộc nhiều tính cách, nhiều tầng lớp khác nhau không? Đồng thời, chi phí set up cả quán: dụng cụ bếp, bàn – ghế, bộ đồ dùng ăn uống, decor, … cũng tốn rất nhiều chi phí.
Trong các lĩnh vực kinh doanh, kinh doanh nhà hàng ăn uống là loại hình mà chi phí thật có khi đội lên gấp 2 lần so với dự tính và cũng là loại hình đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm mới có thể vận hành được.

Nghe bi quan nhưng thật lòng bạn chỉ nên chọn loại hình này khi có trong tay món ăn thật sự hấp dẫn và khác biệt cùng số vốn nhiều hơn dự tính ít nhất 3 lần.

Kinh doanh quán nhậu đòi hỏi chi phí đầu tư set up cả quán: dụng cụ bếp, bàn – ghế, bộ đồ dùng ăn uống, decor, …
Kinh doanh quán nhậu đòi hỏi chi phí đầu tư set up cả quán: dụng cụ bếp, bàn – ghế, bộ đồ dùng ăn uống, decor, …
Quán cafe/trà sữa

Quán cafe/trà sữa mọc lên như nấm trong những năm gần đây cho thấy sức hút của thị trường này vô cùng lớn.

Trà sữa và cà phê không còn chỉ là món đồ uống mà đã dần hình thành một kiểu “văn hóa” trong giới trẻ. Các anh gặp nhau mời đi cafe, các chị gặp nhau mời đi trà sữa; “tụi mình” mới thi xong học kỳ đi trà sữa, trong công ty có chuyện vui hay khao nhau trà sữa, tháng này vượt chỉ tiêu sếp mời trà sữa – trăm ngàn lí do để người ta order trà sữa, cà phê và hàng vạn lý do để kéo nhau ra quán ngồi.
Dù đối mặt với nhiều đối thủ, nhưng những nhãn hiệu trà sữa, cà phê đi sau dù lớn hay nhỏ đều nhận được sự quan tâm của khách hàng.

Bên cạnh sự ủng hộ tuyệt vời từ thị trường thì chi phí để mở quán trà sữa/cafe cũng rất vừa phải với số vốn ít. Đây là một trong những mô hình kinh doanh truyền thống tiềm năng nhất hiện nay.
Mở quán cafe/trà sữa – “Mảnh đất màu mỡ”
Vietnam Report từ dữ liệu 9 tháng đầu năm 2018 nhận định: “Việt Nam đang trở thành thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm – đồ uống rất tiềm năng trong khu vực”. Cụ thể là “thứ 3 châu Á” trong tương lai gần (theo dự đoán của BMI).

Dựa trên số liệu, BMI còn cho rằng người Việt sẵn sàng chi trả mức tiền cao hơn cho các loại đồ uống sạch, tốt cho sức khỏe. Điều này có thể thấy rõ ở việc thực khách ngày càng chuộng các món uống ở những chuỗi cửa hiệu được bảo đảm bằng uy tín thương hiệu như Highland, Phúc Long, Starbuck, … hơn các loại đồ uống lề đường. Nhưng không đồng nghĩa với việc các quán cafe, trà sữa tên tuổi không nổi tiếng sẽ gặp bất lợi, vậy nên chọn mở quán cafe hay mở quán trà sữa để kinh doanh?


Chọn mở quán cafe?

Cà phê xuất hiện ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc, lâu đời hơn trà sữa rất nhiều. Vì vậy, lượng khách hàng của cà phê cũng sẽ rộng hơn rất nhiều. Trên thực tế quan sát, những người lớn tuổi trong gia đình thường không uống trà sữa; mà chỉ có giới trẻ và phụ nữ mới chuộng loại đồ uống này. Trong khi đó, cà phê nhờ có thời gian tiếp cận lâu hơn đã trở thành loại “đồ uống quốc dân” ai ai cũng biết uống. Ngoài ra, để pha được ly cà phê thành phẩm cũng dễ hơn trà sữa rất nhiều.

Vì vậy, với những địa điểm có nhiều người lớn, trung niên hoặc bản thân bạn là người không giỏi chạy theo xu hướng; nên chọn mở quán cafe hơn trà sữa.

Quán cafe – một trong những hình thức kinh doanh vô cùng phổ biến
Quán cafe – một trong những hình thức kinh doanh vô cùng phổ biến
Nếu chỉ bỏ vốn dưới 200 trăm triệu, bạn có thể mở được quán cà phê nhỏ. Hai yếu tố quan trọng bạn nên tập trung đó là chất lượng đồ uống và thái độ phục vụ của nhân viên.

Tiếp đến, nếu còn thêm ít vốn nữa hãy quan tâm đến việc decor quán & âm nhạc – chỉ cần vừa đủ thoải mái, dễ chịu là được. Ngược lại, nếu đầu tư số tiền lớn hơn và quyết tâm “làm cho ra hồn”. Trước hết phải có ý tưởng thật hay và khác biệt để thu hút khách tới quán. Như bạn biết đó, thị trường đang có quá nhiều quán cafe.

Hiện nay, ngày càng có nhiều thương hiệu cafe kinh doanh nhượng quyền và sẵn sàng hỗ trợ bạn set up cửa hàng từ A đến Z có lộ trình tài chính khá rõ ràng. Quy mô tùy vào số vốn bạn có và thương hiệu bạn lựa chọn. Thậm chí dưới 100 triệu có thể set up được quán cafe hoàn chỉnh và sau 1 tháng bắt đầu hòa vốn.

Những thương hiệu cafe nổi tiếng có nhượng quyền thương hiệu trên thị trường như: Milano (100 triệu), Effoc (500 triệu – 1,5 tỷ); Highland (170,000 – 250,000 USD, tương đương 3,5 tỷ – 5 tỷ VNĐ); Viva Star (900 triệu – 1,2 tỷ); Trung Nguyên (ít nhất 3,5 tỷ đồng). Với những nhãn hiệu lớn, yêu cầu sẽ càng khắt khe như: mặt bằng rộng và nằm ở vị trí trung tâm đông người; phải chia sẻ doanh thu hoặc lợi nhuận theo tháng; phí quản lý trong những năm đầu, phí đào tạo nhân viên,…

Milano coffee với chi phí nhượng quyền dưới 100 triệu
Milano coffee với chi phí nhượng quyền dưới 100 triệu




Chọn mở quán trà sữa?

Nhóm khách hàng chọn trà sữa làm món uống thường có độ tuổi trẻ hơn và tò mò, thích khám phá hơn. Vì vậy, một thương hiệu trà sữa mới sẽ dễ dàng được đón nhận hơn một thương hiệu cafe mới.

Thế nhưng, trên thị trường đang có quá nhiều “ông lớn”; bạn cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn phân khúc khách hàng. Để tránh đụng độ, nhắm vào phân khúc khách hàng có thu nhập thấp. Địa điểm như nơi gần trường học, xa các khu ăn uống sầm uất, cao cấp là một lựa chọn thông minh.

Quán trà sữa đòi hỏi bạn phải nhạy bén với xu hướng để có thể tồn tại lâu dài
Quán trà sữa đòi hỏi bạn phải nhạy bén với xu hướng để có thể tồn tại lâu dài

Với phân khúc khách hàng thu nhập thấp, bạn nên lưu ý đến số lượng (dung tích ly và các loại topping) hơn chất lượng. Tất nhiên sẽ là điểm cộng nếu có cả 2 nhưng vẫn ở mức giá phù hợp với khách.
Thuê được mặt bằng rộng và chăm chút decor sẽ giúp thu hút khách đến quán của bạn đông hơn.

Tương tự như quán cafe, trà sữa cũng có rất nhiều mô hình nhượng quyền nhưng thường là các thương hiệu lớn đòi hỏi chi phí mở quán trà sữa từ 1 – 2 tỷ, có khi đến 4-5 tỷ. Ngoài ra, bạn còn có thêm nhiều ràng buộc trong quá trình vận hành như: nguyên liệu độc quyền; chi phí vận chuyển; chương trình quảng bá; huấn luyện và tuyển chọn nhân viên; … 

Bạn sẵn sàng mở quán cà phê hay trà sữa?

Có vốn trong tay không có nghĩa là bạn chỉ mới có điều kiện cần. Để đạt được điều kiện đủ để kinh doanh thành công, bạn phải thực sự có am hiểu và đam mê vào sản phẩm cho người tiêu dùng. Vậy còn những điều gì phải xem xét kỹ hơn để ra quyết định chắc chắn. Bạn cần trả lời các câu hỏi sau đây:
Bạn đã có công thức pha chế đặc biệt chỉ mình bạn có? Hoặc ít nhất là ngon ai cũng thích chưa?
Công việc hiện tại có cho phép bạn dành nhiều thời gian và tâm trí cho quán những ngày mới mở hay không? 
Bạn sẵn lòng nghỉ việc để chỉ tập trung thời gian cho quán?
  • Bạn đã có cộng sự giỏi và hết lòng với dự án chưa? Vì chắc chắn, bạn không đủ sức làm hết khối lượng công việc full-time và công việc của một dự án mới.
  • Ở trường hợp xấu nhất, quán liên tục thua lỗ. Bạn có thể bù được trong tối đa bao nhiêu tháng? Nếu câu trả lời là dưới 5 tháng, bạn nên dừng lại.
  • Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến chất lượng thực phẩm – đồ uống đưa vào cơ thể mình hơn, nhất là giới tri thức (nhân viên văn phòng & sinh viên) – khách hàng mục tiêu của cà phê và trà sữa. Vậy tại sao họ lại chọn uống những quán nhỏ không có uy tín thương hiệu bảo hộ?
  • Các thương hiệu lớn cũng ngày càng chi nhiều tiền để làm khuyến mãi lên đến 40%, 50% giá sản phẩm. Điều này đưa mức giá về mức ngang bằng “các loại đồ uống không tên”. Là người tiêu dùng, bạn chọn uống của ai? Đây cũng là trăn trở lớn của bất kỳ ai. Chọn kinh doanh tự tạo thương hiệu mới hay chọn cách nhượng quyền.
Thuận lợi và khó khăn

Bất kỳ việc đầu tư nào cũng có thuận lợi và khó khăn riêng. Vậy với việc kinh doanh truyền thống này có gì khác. 
Thuận lợi
  • Thị trường nhiều khách hàng với phân khúc đa dạng từ bình dân đến cao cấp.
  • Nếu nhà có mặt bằng ở nơi địa thế tốt. Có thể tận dụng để mang đến thu nhập cao hơn thay vì cho thuê thông thường.
  • Vòng quay vốn hàng bán ngắn. Vì không phải mua trữ hàng thực phẩm nhiều, không bị chiếm dụng vốn vì giá trị hàng hóa cao.
  • Có thể sáng tạo ra thực đơn mới tùy theo mùa vụ; đồng thời kiểm tra nhanh mức độ yêu thích sản phẩm của khách hàng. Đặc biệt hơn, nếu như cà phê/trà sữa là niềm đam mê của bạn; đây là thế giới cho bạn tha hồ tung hoành.
Khó khăn
  • Tỷ lệ thành công thấp, số lượng cửa hàng mới nhiều, thất bại cũng nhiều. Từ chia sẻ kinh nghiệm của các nhà đầu tư khác: 70% quán cà phê đã đóng cửa trong năm đầu tiên; 20% trong số 30% còn lại cũng chưa chắc trụ được đến năm thứ ba.
  • Thời gian hoàn vốn lâu. Vì đầu tư chi phí đầu tư mặt bằng và trang trí ban đầu cao. Do đó, nếu phần lớn số tiền từ vay ngân hàng; thì lợi nhuận sẽ mất đi một khoản lớn vì lãi suất.
  • Trong trường hợp xấu nhất, khi bạn buôn bán đang tốt đẹp; mặt bằng có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào.
  • Có thể phải liên tục nghiên cứu thị trường, ngắm nghía các đối thủ cạnh tranh khác. Mục tiêu là biết món nào đang là xu hướng và nhanh tay đem về thực đơn của quán. Vì dòng đời sản phẩm thức ăn, thức uống khá ngắn và dễ bị bắt chước; bạn cũng phải luôn tỉnh táo để mình không phải là kẻ đi sau.
  • Thời gian và tâm huyết của bạn sẽ phải dành hết cho việc kinh doanh. Vì lễ tết hay cuối tuần mới là dịp đông đúc nhất của quán. Và bạn không thể bỏ lỡ cơ hội kiếm thêm tiền vào lúc này. Vậy nên cần chuẩn bị tâm lý sẽ khó để có thể dành thời gian quan tâm chăm sóc cho gia đình; và khó tụ tập, giao lưu bạn bè như trước đây.
Kinh doanh truyền thống phù hợp với ai?
  1. Người có sẵn mặt bằng và muốn kinh doanh để thu được lợi nhuận nhiều hơn cho thuê.
  2. Người có sẵn kinh nghiệm kinh doanh truyền thống nhiều năm. Cửa hàng đang có lượng khách hàng ổn định và đầu tư mở rộng chi nhánh. Song song với điều này là cả một sự ủng hộ lớn: về vốn; về quản lý công việc và chia sẻ thời gian từ người thân, gia đình.
  3. Kinh doanh thực phẩm như nhà hàng, quán ăn, cà phê phải có sản phẩm độc đáo tạo ra xu thế. Tốt hơn nữa là bí quyết gia truyền chỉ có tại cửa hàng của bạn.




Kết luận

Tóm lại, việc lựa chọn loại quán nào để kinh doanh phụ thuộc vào sở thích và nguồn vốn cũng như những lợi thế sẵn có của bạn. Cần suy xét cẩn thận để đưa ra quyết định sáng suốt. Nếu đã lựa chọn, hãy kiên trì với lựa chọn đó. Vì bỏ dở giữa chừng trong kinh doanh giống như bạn mang tiền vứt qua cửa sổ vậy.

Và cuối cùng, hãy luôn nhớ “thương trường là chiến trường”. Bước vào kinh doanh, ngay cả khi bạn có trên tay bản kế hoạch hoàn hảo nhất, khả thi nhất và sơ đồ tài chính khả quan nhất; khi ra thực tế, chắc chắn vẫn có khó khăn và sự cố phát sinh.

Trong trường hợp xấu nhất, mất tiền là hiển nhiên – xem như học phí cho một khóa học đáng giá. Tuy nhiên, bạn vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, hãy chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng và tỉnh táo để chọn lựa cách đầu tư thông minh nhất.